Sáu tháng trước, Miles Davenport, nhà nghiên cứu miễn dịch tính toán tại Đại học New South Wales, Sydney, Úc, và các đồng nghiệp đưa ra một dự đoán táo bạo mà giờ đây đã trở thành sự thật.
Trên cơ sở kết quả được công bố từ các thử nghiệm vaccine và các nguồn dữ liệu khác, nhóm của Davenport ước tính, những người được chủng ngừa COVID-19 sẽ mất khoảng một nửa số kháng thể phòng vệ có được sau mỗi 108 ngày kể từ khi tiêm. Kết quả là, khả năng bảo vệ khỏi bệnh nhẹ có thể sẽ giảm từ 90% xuống 70% sau 6 hoặc 7 tháng. Davenport cho biết: “Khi đó, kết quả này nghe có vẻ hơi xa vời." Nhưng nhìn chung, dự đoán của nhóm Davenport đã trở thành sự thật.
Các nghiên cứu miễn dịch học đã ghi nhận: ở những người được tiêm chủng, mức kháng thể liên tục giảm. Theo dõi lâu dài những người tham gia thử nghiệm vaccine cho thấy nguy cơ lây nhiễm "vượt vaccine" tăng dần theo thời gian. Và các hồ sơ chăm sóc sức khỏe từ các quốc gia như Israel, Vương quốc Anh và những nơi khác đều cho thấy vaccine COVID-19 đang mất dần hiệu quả ngừa lây nhiễm.
Tin tốt là các phản ứng miễn dịch khác vẫn duy trì và có khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng. Tuy nhiên vẫn chưa rõ nguy cơ bệnh nặng, nhập viện và tử vong có tăng theo thời gian hay không, và tăng ở mức độ nào. Davenport nói: “Đó là câu hỏi quan trọng nhất vào lúc này.”
Đối với những người được chủng ngừa COVID-19, mức độ kháng thể sẽ suy giảm, nhưng không có nghĩa là mất khả năng miễn dịch.
“Khả năng miễn dịch của vaccine yếu dần theo thời gian. Nhưng không phải tất cả các khả năng miễn dịch do vaccine đem lại đều yếu đi như nhau," Nicole Doria-Rose, nhà miễn dịch học tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, Bethesda, Maryland, cho biết.
Các kháng thể ‘trung hòa’, kháng thể có thể đánh chặn virus trước khi chúng xâm nhập vào tế bào và ngăn nhiễm bệnh, là tuyến phòng thủ thứ nhất. Nhưng chúng không tồn tại lâu sau khi tiêm. Mức độ của các phân tử này thường tăng lên sau khi tiêm chủng, rồi giảm nhanh chóng trong vài tháng tiếp theo.
Nhưng các phản ứng miễn dịch tế bào kéo dài hơn - và như Jennifer Gommerman, nhà miễn dịch học tại Đại học Toronto, Canada, giải thích: “Miễn dịch tế bào là thứ sẽ bảo vệ lâu dài khỏi bệnh tật.”
Tế bào bộ nhớ B, có thể nhanh chóng tạo ra nhiều kháng thể trong trường hợp tái tiếp xúc với virus, có xu hướng tồn tại lâu dài, và tế bào T, có thể tấn công các tế bào đã bị nhiễm bệnh, cũng vậy. Cả hai tế bào này là các tuyến phòng vệ bổ sung nếu SARS-CoV-2 vượt qua tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể và xâm nhập vào tế bào.
Một trong những nghiên cứu dài hạn duy nhất xem xét đồng thời ba tuyến phòng thủ này của hệ thống miễn dịch - kháng thể, tế bào B và tế bào T - đã phát hiện, tiêm chủng thúc đẩy miễn dịch tế bào tồn tại bền vững. Tế bào bộ nhớ B tiếp tục phát triển về số lượng trong ít nhất sáu tháng và có khả năng chống lại virus tốt hơn theo thời gian. Số lượng tế bào T vẫn tương đối ổn định, chỉ giảm nhẹ trong suốt thời gian nghiên cứu. “Các kháng thể có thể giảm theo thời gian, nhưng hệ thống miễn dịch vẫn duy trì lâu dài," John Wherry, nhà miễn dịch học tại Trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania, Philadelphia, người đứng đầu nghiên cứu này, cho biết.
Ngoài ra, nghiên cứu từ nhà miễn dịch học Ali Ellebedy, tại Trường Y Đại học Washington ở St Louis, Missouri, cũng khẳng định sức mạnh và khả năng tồn tại lâu dài của phản ứng tế bào B. Nhóm Ellebedy lấy mẫu từ các hạch bạch huyết của những người được tiêm chủng và tìm thấy các "trung tâm mầm tế bào B" - nơi tạo ra các tế bào B hoàn thiện, các cấu trúc này thậm chí sản sinh ra các tế bào miễn dịch mạnh hơn theo thời gian.
Ellebedy và các đồng nghiệp ban đầu mô tả rằng các "trung tâm" này tồn tại trong 15 tuần sau khi tiêm chủng bằng một mũi tiêm vaccine mRNA - lâu hơn bất kỳ nghiên cứu nào từng thấy trước đây với các loại vaccine công nghệ cũ hơn cho các bệnh khác. Bây giờ, các nhà nghiên cứu có dữ liệu mới, cho thấy các "trung tâm mầm" tồn tại trong ít nhất sáu tháng. Ellebedy nói: “Hoạt động huấn luyện miễn dịch vẫn tiếp diễn, thật tuyệt vời."
Chương trình tiêm mũi vaccine thứ ba ở Israel
Hệ thống miễn dịch có còn khả năng bảo vệ khỏi bệnh nặng không?
Có. Tuy nhiên, “nếu khả năng bảo vệ khỏi bệnh nặng dựa vào các kháng thể trung hòa - và kháng thể đó rõ ràng đang giảm - thì càng cách xa thời gian tiêm chủng, nguy cơ bệnh nặng càng tăng," Theodora Hatziioannou, nhà virus học tại Đại học Rockefeller, TP New York cho biết.
Dữ liệu thực tế từ hồ sơ chẩn đoán-xét nghiệm và cơ sở dữ liệu bệnh viện cho thấy đúng như vậy. Ví dụ,
ở Israel, ở những người cao tuổi được tiêm phòng vào đầu năm, nguy cơ mắc bệnh nặng trong đợt bùng phát vào tháng 7 dường như cao gần gấp đôi so với những người cao tuổi được chủng ngừa gần đây hơn.
Cũng do dó, những người lớn tuổi được tiêm mũi vaccine thứ ba ít có nguy cơ bị nhiễm bệnh hơn, và ít có nguy cơ phát triển bệnh nặng hơn nhiều, so với những người không được tiêm mũi ba.
Eran Segal, nhà sinh vật học tính toán tại Viện Khoa học Weizmann, Rehovot, Israel, người tư vấn cho chính phủ Israel về các vấn đề COVID-19, cho biết: “Có bằng chứng thuyết phục rằng mũi tiêm thứ ba giúp tăng khả năng bảo vệ một cách đáng kể.”
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến phản biện nghi ngờ tác dụng thực sự của mũi tiêm thứ ba. Chẳng hạn, nhà thống kê sinh học Jeffrey Morris ở Đại học Pennsylvania đã chỉ ra, các nghiên cứu từ Israel là nghiên cứu quan sát trên những người bình thường, không phải trên những người tham gia thử nghiệm lâm sàng. Nhóm người này không được ngẫu nhiên hóa để hạn chế sự khác biệt về hành vi và nhân khẩu học. Do đó cần cẩn thận khi suy luận dựa trên các kết quả thu được.
Nguồn:
https://www.nature.com/articles/d41586-021-02532-4
https://www.nature.com/articles/s41591-021-01377-8
Hoàng Nam tổng hợp