Báo cáo nghiên cứu đăng trên tạp chí The Nurse Practitioner, tạp chí được xuất bản trong danh mục Lippincott của Wolters Kluwer cho thấy, hầu hết các bệnh nhân có vấn đề về giấc ngủ thường áp dụng các chiến lược ứng phó không thích ứng (maladaptive coping strategies) như dùng thuốc hỗ trợ giấc ngủ, sử dụng caffeine và ngủ trưa. Điều này thực sự có thể góp phần làm giảm chất lượng giấc ngủ của họ.
Rhonda Winegar, tác giả của nghiên cứu khám phá này, nhận xét: “Các bệnh nhân sẽ sử dụng caffein, nicotine và ngủ trưa để chống lại tình trạng buồn ngủ vào ban ngày và thậm chí không nhận ra rằng những chất này ảnh hưởng và kéo dài chứng mất ngủ hơn. Việc thực hiện những thay đổi nhỏ đối với thói quen hàng ngày có thể giúp ích nhiều hơn việc sử dụng thuốc ngủ kê đơn nhiều tác dụng phụ và có nguy cơ phụ thuộc".
Nghiên cứu thử nghiệm được thực hiện trên 137 bệnh nhân gặp các vấn đề như bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn hoặc mất ngủ của một phòng khám về giấc ngủ từ năm 2017 đến năm 2019.
Tiến sĩ Winegar cho biết: Làm việc trong lĩnh vực thực hành giấc ngủ trong vài năm, tôi nhận thấy có nhiều bệnh nhân của tôi gặp vấn đề với chứng mất ngủ do thói quen của họ. Dựa trên bảng câu hỏi của bệnh nhân, cô ấy đã phân tích tỷ lệ của một số loại chiến lược đối phó không thích ứng và những ảnh hưởng của chúng đến kết quả kiểm tra trong phòng thí nghiệm giấc ngủ (polysomnography), cung cấp cho các chuyên gia thông tin chi tiết về cấu trúc giấc ngủ.
Phù hợp với các nghiên cứu về chứng mất ngủ trước đây, hầu hết bệnh nhân đã áp dụng một hoặc nhiều chiến lược phản tác dụng để giải quyết các vấn đề về giấc ngủ của họ như:
• Sử dụng Caffeine: Khoảng 2/3 số bệnh nhân cho biết có sử dụng caffeine. Mặc dù thường được sử dụng như một chất tăng cường năng lượng cho những người cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày, nhưng caffeine có thể làm gia tăng các vấn đề về giấc ngủ vào ban đêm.
• Thuốc hỗ trợ giấc ngủ: Gần một nửa số bệnh nhân (47%) dùng thuốc ngủ theo toa, trong khi 19% khác sử dụng thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn (OTC). Hơn 40% bệnh nhân cho biết họ đã sử dụng các sản phẩm thảo dược, cho thấy họ đang “tự chữa bệnh” cho các vấn đề về giấc ngủ của mình.
• Ngủ trưa: Hơn 1/4 số bệnh nhân cho biết họ có những giấc ngủ ngắn hàng ngày, điều này có thể góp phần gây ra các vấn đề về giấc ngủ vào ban đêm.
Những chiến lược đối phó không thích ứng này đã ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ theo một số cách. Những bệnh nhân không sử dụng hỗ trợ giấc ngủ bước vào giai đoạn chuyển động mắt nhanh (REM) quan trọng của giấc ngủ nhanh hơn so với những bệnh nhân dùng thuốc ngủ theo toa: 131 phút so với 167 phút. Bệnh nhân sử dụng thuốc ngủ theo toa cũng ít chu kỳ REM hơn so với những bệnh nhân sử dụng thuốc hỗ trợ giấc ngủ OTC hoặc không dùng thuốc hỗ trợ giấc ngủ.
Dữ liệu này cho thấy một số tác dụng có lợi của thuốc ngủ do chuyên gia y tế kê đơn, bao gồm thời gian đi vào giấc ngủ ngắn hơn và hiệu quả giấc ngủ cao hơn. Thời lượng ngủ trung bình là 349 phút đối với những bệnh nhân sử dụng thuốc hỗ trợ giấc ngủ OTC, so với 332 phút đối với những người dùng thuốc ngủ theo đơn và 292 phút đối với những người không dùng thuốc hỗ trợ giấc ngủ. Những bệnh nhân không dùng thuốc hỗ trợ giấc ngủ thường xuyên bị kích động vào ban đêm hơn, đây có thể là một dấu hiệu cho thấy giấc ngủ rời rạc và ít yên giấc hơn.
Những bệnh nhân sử dụng caffeine có thời gian ngủ REM lâu hơn - ngoại trừ những người sử dụng nhiều hơn hai khẩu phần caffeine mỗi ngày. Những bệnh nhân ngủ trưa thường xuyên ít buồn ngủ hơn vào ban ngày nhưng thời gian trễ của giấc ngủ dài hơn so với những người không ngủ trưa.
Mất ngủ là một vấn đề rất phổ biến gây thiệt hại lớn về kinh tế và xã hội, ngoài ra còn có những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Bệnh nhân tìm kiếm sự trợ giúp cho các vấn đề về giấc ngủ, thường là từ nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc chính, chẳng hạn như bác sĩ gia đình hoặc y tá.
“Việc hiểu về “vệ sinh giấc ngủ tốt: và thực hiện một số thay đổi nhỏ trong thói quen như đi ngủ đúng giờ, tắt ti vi và đèn khi trên giường,… có thể giúp bệnh nhân ngủ ngon hơn mà không cần sử dụng thiết bị hỗ trợ giấc ngủ”, Tiến sỹ Winegar cho biết.
“Những bệnh nhân bị mất ngủ hoặc các vấn đề về giấc ngủ khác nên tạo thói quen mới ‘ưu tiên giấc ngủ’. Luôn có kế hoạch ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm. Không ngủ trưa. Giữ thói quen vệ sinh giấc ngủ giống nhau và lịch trình ngủ vào tất cả các ngày”, Tiến sĩ Winegar cho biết thêm.
Tuần lễ nâng cao nhận thức về giấc ngủ là chiến dịch giáo dục cộng đồng quốc gia của National Sleep Foundation nhằm tôn vinh sức khỏe giấc ngủ và khuyến khích công chúng ưu tiên giấc ngủ để cải thiện sức khỏe và hạnh phúc. Nhận thức được và tránh những hậu quả không mong muốn của các chiến lược đối phó không thích ứng sẽ giúp mọi người thấy được lợi ích của giấc ngủ tối ưu và cách giấc ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe, hạnh phúc và sự an toàn.
P.T.T (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2022-02-maladaptive-coping-mechanisms-contribute-poor.html, 25/2/2022
Nguồn tin: www.vista.gov.vn
Ý kiến bạn đọc